Công cộng và Công chúng

Nhà báo Gia Hiền
thứ năm 14-6-2018 13:44:13 +07:00 0 bình luận
Tối qua, Bản tin thời sự 19h trên kênh VTV1 thông báo: Việc tổ chức các buổi chiếu công cộng các trận đấu trong khuôn khổ VCK World Cup 2018 (thu tiền hoặc không thu tiền) mà không được sự đồng ý của Đài Truyền hình Việt Nam đều vi phạm bản quyền.

Tối qua, Bản tin thời sự 19h trên kênh VTV1 thông báo: Việc tổ chức các buổi chiếu công cộng các trận đấu trong khuôn khổ VCK World Cup 2018 (thu tiền hoặc không thu tiền) mà không được sự đồng ý của Đài Truyền hình Việt Nam đều vi phạm bản quyền.

Khỏi nói nhiều làm gì, hiểu luôn là, trừ khi bạn xem ở nhà, còn thì cứ bước ra đường tụ tập mà xem World Cup, thì bạn vi phạm bản quyền rồi. Mà chúng ta đều biết đấy, công cuộc thương lượng mua bản quyền World Cup lần này đã diễn ra cam go hồi hộp đến thế nào. Sát nút ngày khai mạc, VTV mới công bố là mua được, lại còn nhờ sự tài trợ của 2 tập đoàn lớn. Bởi vậy, bảo vệ chặt chẽ bản quyền cũng là điều hợp lý.

Nhưng "các buổi chiếu công cộng", nó mới chính là World Cup.

Từ khi người Việt Nam biết đến khái niệm "xem truyền hình trực tiếp bóng đá", thì người ta đã không xem một mình. Mấy chục năm trước, mỗi khi Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức truyền hình trực tiếp những trận cầu đỉnh cao của bóng đá thế giới (gồm 2 giải EURO và World Cup), thì đó đều là những lễ hội. Tivi cực hiếm, chủ yếu được trang bị cho Phòng văn hóa – thông tin của các Quận, huyện, phường, xã. Thế nên những chiếc tivi ấy (thường là đen trắng), được mang ra sân Ủy ban xã, hoặc sân khu tập thể, nhà văn hóa phường, nối thêm đôi loa thùng, cắm ăng-ten, chiếu cho cả khu dân cư cùng xem. Thường các trận đấu diễn ra vào đêm muộn, nhưng từ chặp tối, cả khối xóm đã cắp ghế vào nách, xuống xếp hàng xí chỗ. Rồi là râm ran chè thuốc, chuyện trò tán gẫu như thể ai cũng là những chuyên gia. Đến khi bóng lăn, thì thực là náo nhiệt. Tiếng hò reo hút hét, gọi tên cầu thủ, vỗ tay, xuýt xoa cảm thán tình huống bỏ lỡ, thậm chí cãi vã, khích bác, không thiếu thứ gì. Đó là không khí đám trẻ con không thể nào quên, những đêm hè rực rỡ không thể phai mờ.

Công cộng và Công chúng - Ảnh 1.

Sẽ là một cảm giác khác nếu tận hưởng một trận bóng ở ngoài quán cà phê, hay... bia hơi. Ảnh: Hải Đăng.

Ở phố thị, xuất hiện hình thức chiếu bóng đá đêm ở quán cà phê. Mô hình này xuất hiện đầu tiên ở các khu ký túc xá sinh viên. Chỉ 1.500 – 2.000 đồng/ cốc cà phê, thêm bao thuốc Vina, thế là các sinh viên lõ mắt "luyện" bóng đá xuyên đêm, còn chăm hơn luyện thi. Với túi tiền còm cõi của sinh viên, mô hình cà phê bóng đá thực sự đã cứu rỗi linh hồn, mang World Cup lại với những tín đồ xanh mặt vì "mỳ tôm không người lái" ròng rã ngày này sang tháng khác.

Khi mức sống thay đổi hơn, vật chất đã không còn thiếu thốn, nhà nhà đều có TV (thậm chí mỗi phòng một TV – giấc mơ mà 3 thập kỷ trước nhà giàu cũng không dám nghĩ đến), thì xem bóng đá vẫn không thể là một thú hưởng thụ riêng lẽ. Không thể có mặt trên sân, nhưng phải được hò hét, được tranh luận, được cá cược chút đỉnh, hay cùng ăn mừng bàn thắng bằng vài chai bia – đó là cái hứng thú cách 2 năm mới có 1 lần (xen kẽ 2 giải đấu EURO và World Cup) của các fan bóng đá. Quán bia, quán cà phê, cứ mỗi mùa World Cup lại trang bị máy chiếu, màn hình cỡ lớn, đưa ra đủ loại hình khuyến mại để khách đến quán xem. Những con phố cà phê của Hà Nội, Tp.HCM… những mùa bóng đá thì đêm sôi hơn ngày, thậm chí là nửa buổi sáng đóng cửa… ngủ bù (vì cả chủ lẫn khách đều thức thâu đêm đến sáng). Đừng nói các chủ quán kiếm nhiều tiền vụ này, so với kinh phí đầu tư, thì may lắm là hòa vốn. Nhưng điều quan trọng là thỏa lòng các khách quen, và chính những chủ quán thường cũng là các fan cuồng nhiệt của bóng đá.

Đã đành, hội nhập là chấp nhận các cuộc chơi theo luật quốc tế. Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, nếu bạn muốn xem các giải thể thao chuyên nghiệp, thì phải chi những khoản rất đắt cho các hãng truyền hình cáp. Nhiều người không lựa chọn như vậy, nên thỉnh thoảng có trận đấu hay, họ ghé quán bar – mua 1 vại bia, và xem cùng mọi người. Vại bia đó giá cao hơn bình thường, đơn giản vì quán cũng phải bỏ nhiều tiền để được lắp TV chiếu trận đấu trực tiếp (mà tiền phí ở đây lại thu đắt gấp nhiều lần hộ gia đình, vì phục vụ mục đích kinh doanh). Bạn tôi đã từng phải xem một trận chung kết cúp C1 của Real Maldrid trong quán bar của cổ động viên Barcelona với cảm giác rất "buốt răng", nhưng không có lựa chọn nào khác, vì khách sạn nơi anh ở không trả tiền mua bản quyền cho giải đấu này.  

Thế nhưng, với người Việt Nam câu chuyện này khó mà chấp nhận nổi. Gần như chắc chắn, sẽ chẳng có chủ quán cà phê hay bia hơi nào tới Đài Truyền hình Việt Nam để tự nguyện nộp phí bản quyền. Mà VTV cũng chẳng thể nào đi từng phố, vào từng quán mà đòi tiền. Nhưng như chúng ta thấy đấy, sự khó khăn về bản quyền càng lúc càng cấp thiết. World Cup 2018, chút nữa đã không đến với Việt Nam – điều mà xưa nay người Việt Nam vẫn xem là đương nhiên. Rất có thể, mùa EURO hay World Cup tới, nếu chúng ta không nộp phụ phí bản quyền, thì sẽ chẳng có cái TV nào xem được bóng đá.

Lợi ích công cộng thì đúng rồi, chúng ta đều có quyền đòi hỏi. Nhưng xem đá bóng thì đã không còn là lợi ích công cộng nữa, mà là dịch vụ cộng đồng. Nếu cộng đồng muốn, thì phải thay đổi tư duy của mình thôi. Mà đến lúc đó, có khi mới rõ được ai là fan cứng, và ai là fan phong trào, nhỉ?

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm