Trên khắp các con phố Casablanca những người dân Ma Rốc vẫn đang ăn mừng chiến tích khi đội bóng con cưng gây sốc với chiến thắng 1-0 trước ông lớn Bồ Đào Nha, lần đầu tiên Ma Rốc và một đội bóng châu Phi lọt vào tới Bán kết World Cup, đó là vinh dự, là thành tích đáng tự hào với một quốc gia đang gặp rất nhiều khó khăn.
Chỉ một tuần trước có tới hơn 3.000 người đổ ra đường ở Thủ đô Rabat, không liên quan gì tới World Cup, đó là cuộc biểu tình vì lạm phát gia tăng, chi phí sinh hoạt ngày một tăng cao, đồng thời phản đối hành động bỏ tù những blogger hay nhà báo đưa ra ý kiến.
Một cuộc thăm dò của BBC vào năm 2019 cho thấy 70% người Ma Rốc muốn di cư, mọi thứ còn tồi tệ hơn khi COVID ập đến ảnh hưởng lớn tới sản xuất, du lịch, những mặt hàng cơ bản tiêu biểu như bột mì tăng vọt sau khi Nga tấn công Ukaine.
Bất chấp những khó khăn về kinh tế, Ma Rốc vẫn không ngừng đầu tư vào bóng đá. Vua Mohammed VI đã đổ tiền vào xây dựng học viện bóng đá để đào tạo các tài năng cho giải bóng đá chuyên nghiệp Ma Rốc, đồng thời đặt mục tiêu "xuất khẩu" các cầu thủ qua châu Âu.
Mỗi năm Ma Rốc chi khoảng 10 triệu Euro vào bóng đá, đối với các quốc gia phát triển đây là số tiền rất rất nhỏ, nhưng với một quốc gia châu Phi gặp vô vàn khó khăn về kinh tế như Ma Rốc đây là con số đáng ngạc nhiên.
"Vua Ma Rốc đầu tư 10 triệu Euro mỗi năm vào bóng đá, ông ấy đã làm điều đó suốt 5 năm qua, họ tạo ra một học viện vượt trội với Clairefontaine của Pháp. Ngoài Nam Phi không nước nào ở châu Phi đầu tư vào bóng đá nhiều như Ma Rốc, những thành quả mà họ có được không phải là ngẫu nhiên", ông Idriss Diallo, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bờ Biển Ngà tiết lộ.
Các quốc gia châu Phi có tiềm năng phát triển bóng đá rất lớn, họ không thiếu nhân tài nhưng vấn đề kinh phí lại luôn là nỗi lo, Senegal và Ghana từng lọt vào Tứ kết World Cup, Bờ Biển Ngà hay Cameroon cũng để lại rất nhiều dấu ấn, nhưng những vấn đề đấu đá về tiền lương, mức thu nhập gây mất đoàn kết nội bộ khiến những quốc gia châu Phi không có sự phát triển đồng đều và dài hơi.
Ma Rốc hiểu rất rõ điều này và họ đang tránh đi vào vết xe đổ, những năm qua bóng đá Ma Rốc đang gặt hái được rất nhiều thành công ở các giải đấu cấp CLB cho tới đội tuyển tại châu Phi, và thành công tại World Cup không phải ngẫu nhiên, đó là kết quả của cả một quá trình đầu tư lâu dài và bài bản.