Nhật Bản đã được nhắc đến rất nhiều trong khoảng 10 ngày diễn ra VCK World Cup 2022 đã qua. Khởi đầu là hình ảnh đẹp mà các CĐV để lại khi dọn rác trên khán đài hậu lễ khai mạc, tiếp nối bởi chiến thắng chấn động 2-1 của chiến binh samurai xanh trước Đức, đội tuyển từng 4 lần vô địch World Cup. Nhưng rồi đại diện châu Á lại để thua 0-1 trước đội tuyển Costa Rica, thất bại khiến rất nhiều người bất ngờ và đặt Nhật Bản vào thế khó ở lượt trận cuối.
Giờ đây, thầy trò HLV Moriyasu cần có ít nhất 1 điểm trước Tây Ban Nha, một đội tuyển khác từng nhiều lần vô địch World Cup để có cơ hội vào vòng knock-out.
Chắc chắn Nhật Bản sẽ không được đánh giá cao bằng Tây Ban Nha, tuy nhiên nó không cản người hâm mộ đội tuyển này hy vọng vào một chiến thắng chấn động nữa tại Qatar.
Để tiếp lửa cho nỗ lực ấy là dàn cầu thủ xương sống với kỹ thuật cùng chất lượng chuyên môn cao, đang thi đấu và kiếm tiền từ giải vô địch quốc gia Đức.
Trong số 23 cầu thủ Nhật Bản được HLV Hajime Moriyasu lựa chọn thi đấu, 8 người đang chơi tại Bundesliga và 1 cái tên nữa thi đấu ở giải hạng hai (2-Bundesliga).
“Các CLB Bundesliga luôn coi cầu thủ Nhật Bản là những người làm việc cực kỳ chăm chỉ, sẵn sàng quên bản thân để đóng góp cho tập thể và không đòi hỏi ánh hào quang quá lớn”, chuyên gia nhận định.
“Đó là yếu tố giúp cầu thủ Nhật trở thành những mảnh ghép hoàn hảo ở các CLB Đức nhiều năm qua".
Trong khi các CLB Đức đang có hệ thống tuyển trạch viên chuyên biệt để săn đón những tài năng trẻ từ Nhật Bản, không phải cầu thủ Nhật nào ở Bundesliga cũng đi thẳng từ quê hương sang Đức.
Nhóm 8 cầu thủ chơi ở cấp độ cao nhất của Bundesliga có thể chia làm 3 nhóm nhỏ:
- Ko Itakura, Takuma Asano, Ritsu Doan và Wataru Endo đã từng có hợp đồng với các CLB tại Anh, Bỉ hay Hà Lan. Tuy nhiên họ không thể hiện được bản thân và buộc phải tìm đến quốc gia khác thi đấu, sau đó dừng chân tại Đức.
- Daichi Kamada, Hiroki Ito và Ao Tanaka là ba cầu thủ được đưa trực tiếp từ giải VĐQG Nhật Bản sang Bundesliga.
- Riêng Maya Yoshida đã thi đấu 8 năm ở Premier League (Anh) và 3 mùa giải Serie A (Ý) trước khi cập bến CLB Schalke 04 cách đây vài tháng.
Daichi Kamada là cầu thủ đứng đầu về giá trị chuyển nhượng trong đội hình tuyển Nhật Bản hiện tại, được Transfermarkt định giá 30 triệu euro.
Anh cùng CLB Eintracht Frankfurt lên ngôi vô địch Europa League mùa giải 2021-22 trước khi ghi 12 bàn ở mọi đấu trường trước thềm World Cup.
Hiện Kamada đã được nhiều CLB để ý tới và sẽ có quyền lựa chọn điểm đến nếu anh quyết định rời khỏi Bundesliga. Tuy vậy Eintracht Frankfurt sẵn sàng gia hạn hợp đồng với tiền vệ 26 tuổi này, đề cao sự ổn định về phong độ của Kamada.
Trong khi Kamada dần tiến đến giai đoạn đỉnh cao phong độ và sẽ sớm được săn đón bởi nhiều CLB châu Âu khác, vài cầu thủ đàn em của anh vẫn chưa hề chạm tới tiềm năng phát triển.
Minh chứng đầu tiên là Ko Itakura, người đang khoác áo Borussia Mönchengladbach. Anh có mắt quan sát đủ tốt để sắm vai thủ lĩnh hàng thủ, đồng thời sở hữu tư duy vị trí ổn để thi đấu tròn vai để tiến lên cao hơn, chơi tiền vệ phòng ngự.
Cái tên thứ hai là Ritsu Doan, người đã ghi bàn cho đội tuyển Nhật Bản tại VCK World Cup năm nay. Doan đang thi đấu tại CLB SC Freiburg sau 5 năm chinh chiến tại châu Âu, khởi đầu từ khi anh mới 19 tuổi.
Cả hai đều chứng kiến giá trị chuyển nhượng tăng lên qua từng năm, thành quả của nỗ lực không ngừng nghỉ trước sự cạnh tranh không hề nhỏ tại lục địa già.
Bên cạnh những yếu tố về chuyên môn giúp các cầu thủ Nhật Bản có chỗ đứng tại châu Âu hay cụ thể là Đức, vài “yếu tố mềm" cũng quan trọng không kém để họ có tinh thần tốt nhất khi thi đấu.
“Đức là quốc gia châu Âu mà người Nhật dễ hòa nhập và thích nghi với lối sống. Cơ sở hạ tầng tốt, an toàn và có nhiều cộng đồng người Nhật. Ngoài ra phần lớn người Đức đều có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh”, một cầu thủ Nhật Bản đang thi đấu tại Bundesliga chia sẻ.
“Một yếu tố quan trọng nữa là nguyên liệu nấu nướng và đồ ăn Nhật hoặc thực phẩm châu Á nói chung rất dễ mua tại Đức, điều này nhờ các hệ thống chợ đồ châu Á xuất hiện nhiều hơn.
Với người Nhật, bữa ăn là phần cực kỳ quan trọng trong cuộc sống thường ngày và ở Đức có nhiều lựa chọn để tạo nên những bữa ăn Á Đông một cách dễ dàng”.
Bên cạnh Đức, hai quốc gia láng giềng là Hà Lan và Bỉ cũng là điểm đến ưa thích của người Nhật để học tập hoặc làm việc.
Bundesliga có lợi khá nhiều từ phong cách thi đấu của những cầu thủ Nhật Bản. Sự cần cù, chịu khó pha trộn với trí thông minh và nhãn quan chiến thuật giúp góp phần cải thiện chất lượng chuyên môn của giải đấu.
Song song đó, giải đấu còn thu hút thêm sự theo dõi từ thị trường châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng. Minh chứng là những CLB Đức như Schalke, Stuttgart hay Frankfurt bùng nổ về số lượt người theo dõi trên mạng xã hội.
Bằng cơ hội thi đấu tại Đức và cúp châu Âu, dàn cầu thủ Nhật Bản cũng học hỏi được nhiều điều. Ngay trước khi World Cup bắt đầu, HLV trưởng của đoàn quân samurai xanh là ông Moriyasu đã bày tỏ sự biết ơn đến Bundesliga.
“Chúng tôi có những cầu thủ đang thi đấu tại Đức, nơi có giải đấu hàng đầu châu Âu với chất lượng chuyên môn rất cao. Những cầu thủ châu Á khi chơi bóng ở đây buộc phải cải thiện về sức mạnh, đi kèm với nhiều yếu tố khác.
Điều đó cho thấy chính những giải đấu đang trao cơ hội cho cầu thủ Nhật Bản như vậy đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Cá nhân tôi luôn tôn trọng và rất biết ơn vì điều đó”, HLV Moriyasu nói.
Với các quốc gia châu Á, những cầu thủ thi đấu tại châu Âu luôn là niềm tự hào của họ. Nhật Bản cũng không phải ngoại lệ với 9 cầu thủ chơi bóng tại Đức cùng 9 cái tên đang chơi cho những quốc gia khác như Anh, Ý hay Tây Ban Nha.
Đắng cay thay khi lá thăm định mệnh đưa Nhật Bản vào Đức vào cùng bảng ở VCK World Cup. Nghiệt ngã hơn khi những chiến binh samurai xanh có thể loại cỗ xe tăng khỏi giải ở lượt trận cuối vòng bảng diễn ra vào lúc 2h00 rạng sáng mai, ngày 2/12.