Tiền đạo Artem Dzyuba, đội tuyển Nga, World Cup 2018
Khi được triệu tập vào đội hình tuyển Nga tham dự World Cup 2018, Artem Dzyuba chỉ là một lão tướng hết thời vừa trải qua một mùa giải không thành công trong màu áo Zenit St Petersburg. Phong độ tốt trong thời gian được cho mượn tại Arsenal Tula đã giúp Dzyuba được HLV Cherchesov gọi lên tuyển vì bóng đá Nga đang quá thiếu nhân tài ở vị trí tiền đạo.
Mặc dù vậy, Dzyuba đã bất ngờ tỏa sáng khi đóng góp 3 bàn trong các trận thắng Saudi Arabia, Ai Cập và Tây Ban Nha để giúp Nga lần đầu tiên lọt vào tứ kết World Cup. Trước giải đấu này, tiền đạo 29 tuổi có 23 trận cho đội tuyển nhưng chưa ghi bàn ở một giải đấu lớn nào.
Thủ môn Tim Krul, đội tuyển Hà Lan, World Cup 2014
HLV Louis van Gaal đã có một trong những quyết định bất ngờ nhất tại World Cup khi thay thủ môn ở phút 120 + 1’ để chuẩn bị cho loạt sút luân lưu. Tuy nhiên, đây là quyết định đúng đắn khi Tim Krul chơi xuất sắc, cản phá 2 cú sút phạt đền của đội tuyển Costa Rica, giúp Hà Lan giành vé vào bán kết gặp Argentina. Tính ra, Krul chỉ có vỏn vẹn 2 phút thi đấu tại World Cup 2014 để trở thành người hùng của “Cơn lốc màu da cam”.
Tiền vệ Papa Bouba Diop, đội tuyển Senegal, World Cup 2002
Đội tuyển Senagal lọt vào tứ kết World Cup ngay trong lần đầu tiên tham dự giải đấu vào năm 2002. Trong đó, tiền vệ Papa Bouba Diop trở thành người hùng của “Sư tử Teranga” với pha lập công duy nhất giúp Senegal thắng đương kim vô địch Pháp ngay ở trận ra quân. Sau đó, Bouba Diop còn ghi 2 bàn giúp Senegal cầm hòa Uruguay ở lượt trận cuối để giữ vững vị trí nhì bảng. Sau đó, Senegal tiếp tục thắng Thụy Điển để tiến vào tứ kết và thua Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiền đạo Oleg Salenko, đội tuyển Nga, World Cup 1994
Trong cả sự nghiệp của mình, Oleg Salenko chỉ có vỏn vẹn 8 trận thi đấu cho đội tuyển Nga vào giai đoạn 1993-1994. Nhưng chỉ với màn trình diễn tại World Cup 1994, Salenko đã khắc sâu tên mình vào trong tâm trí của người hâm mộ bóng đá Nga. Cựu tiền đạo Valencia ghi tới 5 bàn trong chiến thắng 6-1 của tuyển Nga trước Cameroon. Thành tích này giúp Salenko thiết lập kỷ lục cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong một trận đấu và đến nay vẫn chưa có một ai có thể lặp lại.
Đáng chú ý, màn trình diễn bùng nổ ở trận đấu cuối cùng tại World Cup 1994 cũng giúp Salenko chia sẻ Chiếc giày vàng của giải đấu cùng Hristo Stoichkov. Sau đó, cựu tiền đạo Valencia không ghi thêm bàn nào cho đội tuyển Nga.
Tiền đạo Saeed Al-Owairan, đội tuyển Saudi Arabia, World Cup 1994
Ngôi sao của đội tuyển Saudi Arabia là một cái tên vô danh trong làng túc cầu thế giới, nhưng bàn thắng của anh tại World Cup 1994 thực sự là một tuyệt phẩm khiến người xem khó quên.
Xuất phát từ phần sân nhà, Saeed Al-Owairan thực hiện một pha solo ngoạn mục để vượt qua 5 cầu thủ Bỉ và ghi bàn duy nhất giúp Saudi Arabia thắng Bỉ ở lượt trận cuối vòng bảng, qua đó lần đầu tiên lọt vào vòng đấu loại trực tiếp World Cup. Trong một cuộc bầu chọn do FIFA tổ chức vào năm 2022, pha lập công của Al-Owairan được bình chọn là bàn thắng đẹp thứ 6 trong lịch sử World Cup.
Tiền đạo Salvatore Schillaci, đội tuyển Italia, World Cup 1990
Nếu phải nói về một cầu thủ bất ngờ xuất hiện chói sáng rồi biến mất như sao băng thì không ai phù hợp hơn Salvatore Schillaci. Trong cả sự nghiệp, cựu tiền đạo Juventus chỉ ghi 7 bàn trong 16 trận cho đội tuyển Italia, nhưng 6 bàn trong số đó xuất hiện tại World Cup 1990.
Trước khi giải đấu diễn ra, Schillaci chỉ là tiền đạo số 5 của Azzurri sau Gianluca Vialli, Roberto Mancini, Aldo Serena và Andrea Carnevale. Tuy nhiên, phong độ tốt trong quá trình chuẩn bị và sự thiếu chuyên nghiệp của Carnevale đã giúp Salvatore Schillaci được ra sân từ trận cuối vòng bảng và tiền đạo gốc Palermo liên tục ghi bàn để giúp Italia giành hạng 3 chung cuộc.
Tổng cộng, Schillaci ra sân trong cả 7 trận và ghi được 6 bàn để ẵm luôn giải thưởng Chiếc giày vàng giải đấu. Sau đó, cựu tiền đạo Juventus chỉ có thêm 4 lần thi đấu cho đội tuyển Italia và ghi được 1 bàn.
Thủ môn Sergio Goycochea, đội tuyển Argentina, World Cup 1990
Mùa hè trên đất Italia 1990 cũng xuất hiện một người hùng vô danh khác trong đội hình tuyển Argentina, đó là Sergio Goycochea. Trước khi giải đấu bắt đầu, Goycochea chỉ là thủ môn số 3 của La Albiceleste. Tuy nhiên, Luis Islas từ chối lên tuyển vì không muốn dự bị cho Nery Pumpido, người sau này bị gãy xương ở trận gặp Liên Xô tại vòng bảng. Cơ hội được trao cho Goycochea và cựu thủ môn River Plate đã không bỏ lỡ.
Sau khi nhọc nhằn vượt qua vòng bảng với tư cách là một trong những đội thứ 3 có thành tích tốt nhất, Argentina liên tục thắng Brazil, Nam Tư và đội chủ nhà Italia để tiến vào chung kết. Trong đó, Goycochea trở thành người hùng với hàng loạt pha cứu thua xuất sắc, đặc biệt là thành tích cản phá 5 cú sút phạt đền ở các trận gặp Nam Tư và Italia. Tuy nhiên, Goycochea không thể ngăn cản cú sút phạt đền của Andreas Brehme ở chung kết khiến Argentina chấp nhận ngôi á quân.
Tiền đạo Roger Milla, đội tuyển Cameroon, World Cup 1990
Năm 1988, Roger Milla tuyên bố từ giã sự nghiệp thi đấu quốc tế. Nhưng 2 năm sau, đích thân Tổng thống Cameroon vào thời điểm đó là Paul Biya đã gọi điện thuyết phục cựu tiền đạo Monaco trở lại giúp đỡ đội tuyển quốc gia. Milla nhận lời và đến Italia để tạo ra một trong những hành trình đáng nhớ nhất sự nghiệp.
Ở tuổi 38, Milla vẫn là đầu tàu của đội tuyển Cameroon, dù luôn luôn vào sân từ băng ghế dự bị. Ông có 4 pha lập công giúp Cameroon thắng Romania và Colombia để trở thành đội bóng châu Phi đầu tiên góp mặt ở vòng tứ kết World Cup.
Hậu vệ Jose Luis Brown, đội tuyển Argentina, World Cup 1986
Trước khi vô địch World Cup 1986, cố danh thủ Jose Luis Brown chỉ là một phương án dự bị cho huyền thoại Daniel Passarella ở vị trí trung vệ. Ông có vé vớt lên đội tuyển vào phút chót do chưa bình phục hoàn toàn chấn thương đầu gối.
Mặc dù vậy, HLV Carlos Bilardo xếp đá chính thay cho lão tướng 33 tuổi Passarella. Đây là một quyết định đúng đắn khi Brown chơi tốt trong cả 7 trận và thậm chí còn mở tỷ số giúp Argentina thắng Tây Đức ở chung kết.